Thủ tục thành lập, trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp năm 2023

Nhà nước luôn khuyến khích doanh nghiệp không ngừng phải nâng cấp, học hỏi, nâng cao kiến thức trình độ để đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển qua đó giúp ích cho bản thân doanh nghiệp và góp phần vào sự phát triển đất nước.

Do đó, Nhà nước cũng đã có những quy định cụ thể về việc trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp từ thuế thu nhập doanh nghiệp, do doanh nghiệp quản lý, sử dụng vào mục đích nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Điều này rất có lợi cho doanh nghiệp, thay vì đóng đầy đủ thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà nước thì doanh nghiệp sẽ được trích một phần để xây dựng quỹ. Để biết được rõ hơn về quỹ phát triển khoa học và công nghệ, thủ tục để trích lập quỹ thì Quý khách hàng hãy cùng ANZILAW tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

I. Căn cứ pháp lý

  • Luật Khoa học và công nghệ 2013;
  • Nghị định 218/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Thông tư 67/2022/TT-BTC hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;
  • Thông tư 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;
  • Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và quy chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ;
  • Văn bản 14/VBHN-VPQH năm 2020 hợp nhất Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Blue and Yellow Gradient Meditation Youtube Thumbnail 1 1

II. Thành lập quỹ khoa học công nghệ doanh nghiệp

1. Khuyến khích thành lập và trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ

Căn cứ điều 63 Luật Khoa học công nghệ 2013 quy định:

Doanh nghiệp ngoài nhà nước được khuyến khích thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của mình hoặc đóng góp vào Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của ngành, địa phương và được hưởng quyền lợi theo quy định của Quỹ.”

Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ trích thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để thành lập quỹ và cơ chế quản lý, sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước.”

Doanh nghiệp có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích thành lập quỹ và thông báo việc thành lập quỹ cho cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ địa phương nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp.”

Đồng thời, khoản 3 Điều 9 Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định: Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định khuyến khích doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ để đầu tư tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp và cho ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.”.

Có thể thấy, Nhà nước và Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân trong việc thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ và trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để đầu tư tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp và cho ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.

2. Hình thức tổ chức quỹ phát triển khoa học công nghệ

Theo Điều 3 Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC về hình thức tổ chức của quỹ theo một trong hai hình thức sau:

  • Thành lập tổ chức không có tư cách pháp nhân và trực thuộc doanh nghiệp.
  • Không thành lập tổ chức Quỹ và do cán bộ của doanh nghiệp kiêm nhiệm thực hiện các hoạt động.

Tuy nhiên theo khoản 2 Điều 8 về hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện Thông tư 67/2022/TT-BTC thì Điều 4 Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC đã bị bãi bỏ, thay vào đó ở Thông tư 67/2022/TT-BTC không có quy định cụ thể về hình thức tổ chức Quỹ phát triển khoa học và công nghệ mà chỉ quy định trọng tâm vào việc trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Cho nên có thể hiểu hình thức tổ chức Quỹ phát triển khoa học và công nghệ doanh nghiệp là tổ chức không có tư cách pháp nhân và trực thuộc doanh nghiệp.

3. Nguồn hình thành quỹ

Theo Điều 2 Thông tư 67/2022/TT-BTC, Quỹ phát triển khoa học công nghệ được hình thành từ phần trăm (%) tính trên thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để tạo nguồn quỹ.

Doanh nghiệp mới thành lập từ việc chia, tách được kế thừa và chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trước khi chia, tách. Việc phân chia Quỹ phát triển khoa học và công nghệ do doanh nghiệp quyết định và đăng ký với cơ quan Thuế.

III. Trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ

1. Mức trích lập quỹ đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước

Theo điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư 67/2022/TT-BTC thì đối với các doanh nghiệp không phải doanh nghiệp nhà nước: Doanh nghiệp tự quyết định mức trích cụ thể, nhưng tối đa không quá 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.

2. Xử lý về thuế khi doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích; không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% khoản trích Quỹ hằng năm theo quy định

Căn cứ theo khoản 1, 2 Điều 4 Thông tư 67/2022/TT-BTC thì doanh nghiệp sẽ phải chịu nghĩa vụ về thuế khi sử dụng không đúng mục đích hay không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% khoản trích Quỹ hàng năm như sau:

  • Nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp sử dụng Quỹ không đúng mục đích

Trường hợp doanh nghiệp sử dụng Quỹ không đúng mục đích thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách Nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích tương ứng với khoản sử dụng không đúng mục đích và tiền lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó.

Lãi suất tính tiền lãi phát sinh đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp thu hồi tính trên phần Quỹ sử dụng không đúng mục đích là mức tính tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành. Thời gian tính lãi được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày trích Quỹ đến ngày liền kề trước ngày số thuế thu hồi nộp vào ngân sách Nhà nước.

  • Nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% khoản trích Quỹ hằng năm

a) Trong thời hạn 05 (năm) năm, kể từ khi trích lập Quỹ theo quy định tại Điều 2 Thông tư này mà doanh nghiệp không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% khoản trích Quỹ hằng năm thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách Nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% khoản trích Quỹ hằng năm, đồng thời phải nộp tiền lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó. Tiền lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được xác định theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Trường hợp nhận điều chuyển Quỹ thì thời hạn 05 năm đối với khoản nhận điều chuyển Quỹ được xác định kể từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp nhận điều chuyển Quỹ.

b) Lãi suất tính tiền lãi phát sinh đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp thu hồi tính trên phần Quỹ không sử dụng hết là lãi suất trái phiếu kho bạc loại kỳ hạn một năm áp dụng tại thời điểm thu hồi và thời gian tính lãi là hai năm theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12.

c) Số Quỹ đã sử dụng bao gồm: Số tiền Quỹ chi đúng mục đích đã được quyết toán theo quy định; số tiền đã tạm ứng và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ nhưng chưa đủ điều kiện quyết toán để thực hiện các hoạt động của Quỹ; các khoản điều chuyển từ Quỹ của tổng công ty với doanh nghiệp thành viên, của công ty mẹ với công ty con hoặc ngược lại; và khoản tiền nộp về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hoặc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các Bộ chủ quản, tỉnh, thành phố (nếu có) theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Việc điều chuyển giữa Quỹ của công ty mẹ, tổng công ty với Quỹ của công ty con, doanh nghiệp thành viên và ngược lại chỉ áp dụng đối với các công ty con hoặc doanh nghiệp thành viên mà công ty mẹ sở hữu 100% vốn và không bao gồm các trường hợp sau:

– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài điều chuyển cho công ty mẹ ở nước ngoài;

– Công ty mẹ ở Việt Nam điều chuyển cho công ty con ở nước ngoài.

Việc thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ là việc làm được nhà nước hết sức khuyến khích để doanh nghiệp có thể có những khoản đầu tư nghiên cứu, nâng cao hiệu quả công nghệ, sản phẩm của doanh nghiệp đồng thời tăng cường sức cạnh tranh qua đó giúp doanh nghiệp cũng như lĩnh vực được đầu tư nghiên cứu ngày càng phát triển.

Thông tin liên hệ:

Trên đây là một số ý kiến tư vấn pháp luật của ANZILAW về “Thủ tục thành lập, trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp năm 2023”. Chúng tôi hi vọng rằng qua nội dung tư vấn trên sẽ phần nào đó giúp quý khách hàng có cái nhìn rõ nét hơn về vấn đề này. Để biết thêm thông tin chi tiết và tiếp nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, thành lập công ty,… vui lòng liên hệ số điện thoại 0965081099 hoặc:

Để lại một bình luận