Thủ tục cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật mới nhất 2023

Vùng an toàn dịch bệnh động vật hiện là nơi đáp ứng đủ các điều kiện, đảm bảo không có bất kỳ ca bệnh truyền nhiễm nào xảy ra trên động vật chăn nuôi và thủy sản, thuộc phạm vi từ cấp huyện trở lên. Một vùng để được chứng nhận là an toàn dịch bệnh động vật thì vùng đó phải thể hiện được uy tín cao đối với hệ thống cơ sở chăn nuôi và miễn dịch động vật.

Nhưng để được cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh cần có những điều kiện gì? Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh là như thế nào? Quý khách hàng hãy cùng ANZILAW tìm hiểu những câu hỏi trên thông qua bài viết dưới đây.

I. Cơ sở pháp lý

  • Luật Thú y 2015;
  • Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật;
  • Thông tư 101/2020/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y.
  • Thông tư số 283/2016/TT-BTC quy định khung giá dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật
Blue and Yellow Gradient Meditation Youtube Thumbnail 3 4

II. Khái niệm vùng an toàn dịch bệnh động vật

Vùng an toàn dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y là vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống động vật được xác định không xảy ra bệnh truyền nhiễm thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch trong một khoảng thời gian quy định cho từng bệnh, từng loài động vật và hoạt động thú y trong vùng đó bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh. 

III. Hồ sơ đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật

1. Chủ thể chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ
  • UBND cấp xã (đối với vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật cấp xã, phường, thị trấn);
  • UBND cấp cấp huyện (đối với vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương);
  • UBND cấp cấp tỉnh (đối với vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) sau đây gọi chung là UBND.

Các cơ quan trên chỉ đạo cơ quan chuyên môn, tổ chức lập hồ sơ đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh và nộp 01 bộ hồ sơ đến Cơ quan thú y theo một trong các hình thức: Trực tiếp hoặc qua dịch vụ công trực tuyến hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính.

2. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật

Theo Điều 3 của Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT, cơ quan thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật là:

  • Cục Thú y thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đối với:
  • Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu, hỗn hợp xuất khẩu và tiêu dùng trong nước;
  • Vùng an toàn dịch bệnh động vật cấp xã phục vụ xuất khẩu, hỗn hợp xuất khẩu và tiêu dùng trong nước;
  • Vùng an toàn dịch bệnh động vật cấp huyện, cấp tỉnh.
  • Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đối với cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật không thuộc phạm vi thẩm định và cấp giấy chứng nhận của Cục Thú y.

Cơ quan thẩm định và cấp Giấy chứng nhận gọi chung là Cơ quan thú y.

3. Hồ sơ đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật gồm:
  • Văn bản đề nghị theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT;
  • Bản mô tả thông tin về vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT.

Đối với trường hợp vùng chưa đạt yêu cầu theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 29 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT, UBND gửi báo cáo khắc phục sai lỗi đến Cơ quan thú y có thẩm quyền.

IV. Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật

Bước 1: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật

Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thú y tiếp nhận và thẩm định hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan thú y thông báo cho UBND về kế hoạch đánh giá thực tế tại vùng. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cơ quan thú y thông báo bằng văn bản cho UBND để hoàn thiện.

Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 26 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thú y tiếp nhận và thẩm định hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan thú y cấp Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh theo quy định. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cơ quan thú y thông báo bằng văn bản cho UBND để hoàn thiện.

Bước 2: Tổ chức đánh giá vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật
  • Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thẩm định xong nội dung của hồ sơ, Cơ quan thú y tổ chức Đoàn đánh giá và thực hiện đánh giá tại vùng theo quy định tại Điều 29 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT.
  • Thành phần Đoàn đánh giá gồm:
  • Trưởng đoàn: Là lãnh đạo cấp phòng trở lên của Cơ quan thú y;
  • Thành viên: Là lãnh đạo, cán bộ chuyên môn cấp phòng của Cơ quan thú y và các đơn vị khác có liên quan.
  • Số lượng thành viên tham gia Đoàn đánh giá: Không quá 07 người.

Nội dung đánh giá vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật được quy định tại Điều 29 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT.

Bước 3: Cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật
  • Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc việc đánh giá tại vùng hoặc kể từ ngày nhận kết quả xét nghiệm bệnh theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT:
  • Cơ quan thú y cấp Giấy chứng nhận cho vùng đạt yêu cầu và bổ sung tên vùng vào danh sách cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật;
  • Cơ quan thú y có văn bản trả lời nêu rõ lý do với trường hợp vùng có kết quả đánh giá không đạt yêu cầu.
  • Mẫu Giấy chứng nhận: Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT.

V. Phí thẩm định vùng an toàn dịch bệnh động vật

Phí thẩm định đối với vùng an toàn dịch bệnh động vật được quy định tại biểu phí, lệ phí trong công tác thú y của Thông tư 101/2020/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y là 3.500.000 đồng/ lần thẩm định.

Ngoài ra, còn chi phí xét nghiệm mẫu (nếu có): Theo Phụ lục 2 Biểu khung giá dịch vụ chẩn đoán thú y Thông tư số 283/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định khung giá dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật.

Như vậy, để một vùng được cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật thì vùng đó phải có những điều kiện về cơ sở vật chất đáp ứng được những điều kiện theo quy định đồng thời vượt qua được trình tự thẩm định, đánh giá của cơ quan có thẩm quyền mới có thể được cấp giấy chứng nhận. 

Thông tin liên hệ:

Trên đây là một số ý kiến tư vấn pháp luật của ANZILAW về “Thủ tục cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật mới nhất 2023”. Chúng tôi hi vọng rằng qua nội dung tư vấn trên sẽ phần nào đó giúp quý khách hàng có cái nhìn rõ nét hơn về vấn đề này. Để biết thêm thông tin chi tiết và tiếp nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, thành lập công ty,… vui lòng liên hệ số điện thoại 0965081099 hoặc:

Để lại một bình luận