Những lưu ý sau khi thành lập doanh nghiệp mới nhất năm 2023

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường ngày càng có những dấu hiệu khởi sắc, việc thành lập doanh nghiệp để kinh doanh hiện nay không còn xa lạ. Nhà nước cũng ban hành nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có động lực phát triển. Sau khi thành lập doanh nghiệp cần làm những thủ tục gì để doanh nghiệp đi vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật hiện hành? Bài viết dưới đây ANZILAW sẽ cung cấp đến bạn đọc những thông tin hữu ích về những việc cần làm sau khi thanh lập doanh nghiệp.

I. Cơ sở pháp lý: 

  • Luật Doanh nghiệp 2020; 
  • Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp chỉ là bước đầu tiên đánh dấu sự hiện diện của doanh nghiệp trên thị trường kinh tế. Để hoàn thiện những thủ tục còn lại theo quy định của pháp luật thì ngay sau khi thành lập, doanh nghiệp phải thực hiện một số công đoạn sau:

II. Thực hiện treo bảng hiệu doanh nghiệp tại trụ sở sau khi thành lập doanh nghiệp

Tại khoản 4 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định: “Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp”. Pháp luật cũng đề ra chế tài xử lý trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm, theo khoản 2 Điều 52 Nghị định 122/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thì : “Doanh nghiệp có thể bị xử phạt từ 30.000.000đ – 50.000.000đ nếu không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh”. 

Cho nên, sau khi có giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp phải làm bảng hiệu công ty và treo tại trụ sở chính. Thông tin trên bảng hiệu của doanh nghiệp phải bao gồm: địa chỉ trụ sở chính, tên công ty, mã số thuế công ty,….Bất cứ khi nào cán bộ thuế cũng có thể đi kiểm tra và hoàn toàn có thể khóa mã số thuế của doanh nghiệp nếu không thấy doanh nghiệp treo bảng hiệu hoặc bảng hiệu thiếu nội dung như đã đề cập ở trên. 

III. Mua chữ ký số cho doanh nghiệp sau khi thành lập doanh nghiệp

Doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện thủ tục mua chữ ký khi mới thành lập. Chữ ký số là một thiết bị quan trọng, có giá trị pháp lý tương đương với con dấu pháp nhân. Bằng chữ ký số, doanh nghiệp có thể dễ dàng nộp kê khai lệ phí môn bài, kê khai hải quan điện tử, kê khai bảo hiểm xã hội điện tử,…trên trang web của Tổng cục Thuế Quốc gia. 

IV. Thực hiện mở tài khoản ngân hàng sau khi thành lập doanh nghiệp

Tài khoản doanh nghiệp là một loại tài khoản thanh toán được mở tại ngân hàng nhằm mục đích phục vụ cho các giao dịch nhận, gửi, thanh toán, rút tiền. Đây là quy định bắt buộc khi doanh nghiệp mới thành lập. 

Bằng việc mở tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp có thể dễ dàng, thuận tiện hơn khi thực hiện các công việc trong quá trình kinh doanh. Kế toán của doanh nghiệp có thể liên hệ đến ngân hàng nơi mà doanh nghiệp lựa chọn làm việc để tiến hành mở tài khoản. Khi mở tài khoản ngân hàng cần phải có các giấy tờ như: con dấu, giấy đăng ký kinh doanh, giấy thông báo nộp mẫu dấu và CCCD/CMND của người đại diện đi mở.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi được ngân hàng cung cấp tài khoản, doanh nghiệp phải đăng ký tài khoản ngân hàng trực tiếp với Sở kế hoạch và đầu tư hoặc thông qua website dangkyquamang.dkkd.gov.vn. Nếu vượt quá thời hạn trên mà vẫn chưa đăng ký, doanh nghiệp sẽ bị phạt.

V. Khắc con dấu sau khi thành lập doanh nghiệp

Khắc con dấu và công bố mẫu con dấu là một trong những công việc bắt buộc khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. 

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì doanh nghiệp hoàn toàn có quyền quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, doanh nghiệp phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để được đăng tải công khai mẫu con dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Con dấu công ty phải bao gồm 02 nội dung đó là: mã số doanh nghiệp và tên doanh nghiệp như tên đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể bổ sung thêm các từ ngữ, hình ảnh khác vào nội dung con dấu của mình, miễn sao những nội dung đó không được vi phạm điều cấm theo quy định của pháp luật.

VI. Nộp hồ sơ khai thuế ban đầu sau khi thành lập doanh nghiệp

Khi tiến hành nộp hồ sơ khai thuế ban đầu, doanh nghiệp cần chuẩn bị những giấy tờ sau:

  • Tờ khai đăng ký thực hiện hình thức kế toán và sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp;
  • Quyết định bổ nhiệm kế toán (đây là trong trường hợp doanh nghiệp đã có kế toán trưởng);
  • Quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc hoặc giám đốc của doanh nghiệp;
  • Bản đăng ký phương pháp khấu hao tài sản cố định (trường hợp doanh đã có tài sản cố định);
  • Phiếu đăng ký thông tin của doanh nghiệp;
  • Tờ kê khai lệ phí môn bài;
  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
  • Giấy ủy quyền.

Doanh nghiệp cần lưu ý thời hạn nộp hồ sơ đăng ký khai thuế để thực hiện trong thời gian sớm nhất có thể, tránh rủi ro không đáng có. Trong trường hợp doanh nghiệp bắt đầu sản xuất kinh doanh ngay khi nhận Giấy phép kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ đăng ký khai thuế ban đầu là ngày cuối cùng của tháng được đề cập trên Giấy phép kinh doanh. Nếu doanh nghiệp nhận được Giấy phép kinh doanh nhưng chưa đi vào hoạt động thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ghi trên Giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp phải tiến hành nộp hồ sơ đăng ký khai thuế. 

Thông tin liên hệ:

Trên đây là một số ý kiến tư vấn pháp luật của ANZILAW về “Những lưu ý sau khi thành lập doanh nghiệp mới nhất năm 2023”. Chúng tôi hi vọng rằng qua nội dung tư vấn trên sẽ phần nào đó giúp quý khách hàng có cái nhìn rõ nét hơn về vấn đề này. Để biết thêm thông tin chi tiết và tiếp nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, thành lập công ty,… vui lòng liên hệ số điện thoại 0965081099 hoặc: