Kế hoạch giám sát dịch bệnh động vật đối với cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh mới nhất 2023

Để một cơ sở được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh thì cơ sở đó phải đáp ứng được đầy đủ những điều kiện theo quy định của pháp luật. Một trong những điều kiện bắt buộc và tiên quyết là việc lập kế hoạch và tổ chức giám sát dịch bệnh đối với động vật. Vậy, quy định của pháp luật về việc lập kế hoạch giám sát dịch bệnh là như nào? Tổ chức giám sát dịch bệnh ra sao? Quý khách hàng hãy cùng ANZILAW tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

I. Cơ sở pháp lý

  • Luật Thú y 2015;
  • Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật.
Blue and Yellow Gradient Meditation Youtube Thumbnail 6

II. Khái niệm chung

1. Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật

Theo giải thích của Luật Thú y thì cơ sở an toàn dịch bệnh động vật là cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống động vật được xác định không xảy ra bệnh truyền nhiễm thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch trong một khoảng thời gian quy định cho từng bệnh, từng loài động vật và hoạt động thú y trong cơ sở đó bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh.

2. Giám sát dịch bệnh động vật

Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT về giải thích từ ngữ thì Giám sát dịch bệnh động vật là toàn bộ các hoạt động theo dõi, kiểm tra, đánh giá sức khỏe động vật trong suốt quá trình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại cơ sở, vùng để phát hiện, dự báo, cảnh báo sớm các nguy cơ, tác nhân gây bệnh và áp dụng kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

III. Kế hoạch và tổ chức thực hiện giám sát dịch bệnh động vật 

Điều 10 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT có quy định về điều kiện được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, trong đó, điều kiện tại khoản 2 yêu cầu sơ sở phải có kế hoạch và tổ chức thực hiện giám sát dịch bệnh động vật theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT.

1. Kế hoạch giám sát dịch bệnh động vật

Điều 6 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT quy định về kế hoạch giám sát dịch bệnh mà cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật cần thực hiện như sau:

1.1. Xây dựng, rà soát, điều chỉnh kế hoạch giám sát dịch bệnh

Đối với cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh: Chủ cơ sở tổ chức xây dựng, phê duyệt và thực hiện, bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Thú y và các khoản 2, 3 và 4 Điều 6 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT; lưu giữ thông tin, dữ liệu theo quy định tại Điều 12 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT.

1.2. Điều kiện của kế hoạch giám sát dịch bệnh

Kế hoạch giám sát dịch bệnh phải được xây dựng, thiết kế bảo đảm mục tiêu phát hiện có hoặc không có tác nhân gây bệnh đăng ký công nhận an toàn hoặc đánh giá mức độ đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng vắc xin của động vật nuôi đối với các bệnh đăng ký công nhận an toàn.

1.3. Nội dung kế hoạch giám sát dịch bệnh

Chủ các cơ sở nộp đăng ký cần lên kế hoạch và bám sát thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh theo những nội dung sau:

  • Theo dõi, ghi chép tình trạng sức khỏe, các dấu hiệu động vật nghi mắc bệnh, các triệu chứng, bệnh tích của bệnh trong suốt quá trình nuôi;
  • Quy trình báo cáo dịch bệnh cho nhân viên thú y, chính quyền hoặc cơ quan thú y địa phương trong trường hợp nghi ngờ động vật mắc bệnh truyền nhiễm; kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh và tổ chức điều tra dịch tễ, xác định nguyên nhân;
  • Giám sát tác nhân gây bệnh đăng ký công nhận an toàn, các dấu hiệu động vật nuôi đã bị nhiễm tác nhân gây bệnh hoặc các xét nghiệm khẳng định động vật nuôi đạt mức độ đáp ứng miễn dịch đối với các bệnh đăng ký công nhận an toàn;
  • Đối tượng giám sát: Động vật giống, động vật nuôi, động vật hoang dã mẫn cảm với bệnh đăng ký công nhận an toàn; vật chủ trung gian có khả năng mang tác nhân gây bệnh đăng ký công nhận an toàn. Đối với động vật thủy sản, ngoài các đối tượng lấy mẫu giám sát nêu trên phải bổ sung thêm mẫu giám sát là thức ăn tươi sống (nếu có) và nguồn nước cấp cho khu vực sản xuất;
  • Địa điểm giám sát: Khu vực sản xuất, nơi cách ly động vật, nơi bảo quản thức ăn dùng cho động vật, nguồn cung cấp nước, khu vực có nguy cơ xuất hiện tác nhân gây bệnh;
  • Lấy mẫu và xét nghiệm mẫu giám sát: Thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT.
1.4. Thời gian giám sát
  • Thời gian giám sát được tính từ ngày chủ cơ sở thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh;
  • Thời gian giám sát đảm bảo tối thiểu 12 tháng (bao gồm cả thời gian nghỉ giữa các vụ nuôi trong năm) tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh.
2. Tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh

Chủ cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh tổ chức thực hiện giám sát dịch bệnh theo kế hoạch giám sát dịch bệnh đã đề ra với nội dung đầy đủ theo quy định về giám sát dịch bệnh. Đồng thời thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm mẫu giám sát theo quy định tại Điều 7 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT như sau:

2.1. Đối với cơ sở chăn nuôi động vật trên cạn
  • Áp dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên theo xác suất thống kê;
  • Cơ sở không áp dụng biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin: Thực hiện giám sát bệnh để phát hiện tác nhân gây bệnh hoặc phát hiện kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên; số lượng mẫu giám sát theo quy định tại mục I của Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT; kết quả xét nghiệm phải bảo đảm 100% số mẫu âm tính với bệnh đăng ký công nhận an toàn (không có tác nhân gây bệnh hoặc không có kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên);
  • Cơ sở áp dụng biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin: Thực hiện giám sát sau tiêm phòng để đánh giá đáp ứng miễn dịch; số lượng mẫu giám sát sau tiêm phòng theo quy định tại mục II của Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT; tỷ lệ động vật có đáp ứng miễn dịch đối với bệnh đăng ký công nhận an toàn phải đạt từ 70% trở lên;
  • Trường hợp kết quả giám sát sau tiêm phòng không đạt yêu cầu hoặc không thực hiện giám sát sau tiêm phòng, cơ sở được phép áp dụng giám sát bệnh để phát hiện tác nhân gây bệnh hoặc phát hiện kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên theo quy định tương tự đối với cơ sở không áp dụng biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin, hoặc thực hiện việc tiêm phòng lại và giám sát sau tiêm phòng để đánh giá đáp ứng miễn dịch theo quy định tương tự với cơ sở áp dụng biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin;
  • Tần suất lấy mẫu: Lấy mẫu tối thiểu 02 lần/12 tháng, mỗi lần cách nhau ít nhất 03 tháng đối với cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh; lấy mẫu tối thiểu 01 lần/12 tháng đối với cơ sở duy trì điều kiện an toàn dịch bệnh.
2.2. Đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản
  • Áp dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên theo xác suất thống kê;
  • Số lượng mẫu giám sát theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT. Phương thức giám sát phát hiện tác nhân gây bệnh và kết quả xét nghiệm phải bảo đảm 100% số mẫu âm tính với tác nhân gây bệnh đăng ký công nhận an toàn;
  • Tần suất lấy mẫu: Thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 7 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT.

Như vậy, cơ sở chăn nuôi động vật trên cạn, nuôi trồng thủy sản muốn đăng ký công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh phải xây dựng kế hoạch cụ thể về giám sát an toàn dịch bệnh và phải tuân thủ những nội dung trong kế hoạch để thực hiện một cách chính xác nhất, tạo cơ sở cho việc đánh giá, đáp ứng đủ điều kiện công nhận của cấp có thẩm quyền.

Thông tin liên hệ:

Trên đây là một số ý kiến tư vấn pháp luật của ANZILAW về “Kế hoạch giám sát dịch bệnh động vật đối với cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh mới nhất 2023”. Chúng tôi hi vọng rằng qua nội dung tư vấn trên sẽ phần nào đó giúp quý khách hàng có cái nhìn rõ nét hơn về vấn đề này. Để biết thêm thông tin chi tiết và tiếp nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, thành lập công ty,… vui lòng liên hệ số điện thoại 0965081099 hoặc:

Để lại một bình luận