Tăng vốn điều lệ Công ty TNHH theo quy định mới nhất 2023

Như chúng ta đã biết, Công ty trách nhiệm hữu hạn (Công ty TNHH) là một trong những loại hình của doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân và hoạt động một cách độc lập, bao gồm Công ty TNHH hai thành viên trở lên và Công ty TNHH một thành viên. Vậy, Công ty TNHH được tăng vốn điều lệ trong trường hợp nào? ANZILAW sẽ chia sẻ với Quý khách hàng thông qua bài viết dưới đây.

I. Cơ sở pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp năm 2020.

II. Khái niệm và đặc điểm Công ty TNHH

1. Công ty TNHH hai thành viên trở lên

* Khái niệm: Công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp mà trong đó, thành viên có thể là tổ chức hay cá nhân, số lượng thành viên không vượt quá 50 thành viên, thành viên chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

* Đặc điểm của Công ty TNHH hai thành viên trở lên:

– Về thành viên: Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể là cá nhân, tổ chức sở hữu một phần hay toàn bộ vốn điều lệ của Công ty. Số lượng thành viên tối thiểu là 01 và tối đa là 50.

– Về tư cách pháp lý: Công ty TNHH là một pháp nhân, là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh; có tư cách pháp nhân và tài sản của công ty tách bạch với tài sản của thành viên công ty.

– Về trách nhiệm tài sản: Công ty chỉ chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ tài chính và các khoản nợ của công ty bằng tài sản của công ty, các thành viên chỉ chịu trách nhiệm tài sản trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty (trừ trường hợp thành viên chưa góp vốn hoặc góp vốn không đủ số vốn đã cam kết).

– Về huy động vốn: Công ty TNHH không được phát hành cổ phần.

– Về chuyển nhượng vốn: Thành viên của công ty được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp của mình cho người khác nếu tuân thủ các điều kiện pháp luật quy định.

2. Công ty TNHH một thành viên

* Khái niệm: Công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp do một cá nhân hoặc một tổ chức làm chủ sở hữu, trong đó, chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

* Đặc điểm: Công ty TNHH một thành viên có một số đặc trưng cơ bản sau:

– Công ty TNHH một thành viên do một tổ chức hay một cá nhân làm chủ sở hữu công ty. Đây là đặc điểm phân biệt với Doanh nghiệp tư nhân (chủ sở hữu là một cá nhân)

– Công ty TNHH một thành viên có tư cách pháp nhân và được thực hiện các quyền và nghĩa vụ với tư cách là thương nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì công ty.

– Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn điều lệ. Đây là đặc điểm để phân biệt với doanh nghiệp tư nhân vì trách nhiệm tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân là trách nhiệm vô hạn.

– Chủ sở hữu được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định pháp luật.

– Công ty không được phát hành cổ phiếu.

III. Các trường hợp tăng vốn điều lệ đối với Công ty TNHH

1. Đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên

Theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể tăng vốn điều lệ bằng một trong hai cách sau: (i) Tăng vốn góp của thành viên; (ii) Tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới.

Nếu sử dụng cách tăng vốn góp của các thành viên thì phần vốn góp thêm được chia cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của các thành viên trong vốn điều lệ công ty. Theo quy định pháp luật thì thành viên có thể chuyển nhượng quyền góp vốn của mình cho người khác.

Nếu có thành viên không góp thêm hoặc chỉ góp thêm một phần thì xử lý như sau: Trường hợp các thành viên không có thỏa thuận khác  thì số vốn còn lại của phần vốn góp thêm đó được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty.

2. Đối với công ty TNHH một thành viên

Theo quy định tại khoản 1,2 Điều 87 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tăng vốn điều lệ bằng một trong hai cách sau: (i) chủ sở hữu công ty góp thêm vốn; (ii) huy động thêm vốn góp của người khác. Về hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ của công ty sẽ do Chủ sở hữu công ty quyết định.

Cần lưu ý đến trường hợp tăng vốn điều lệ bằng cách huy động thêm phần vốn góp của người khác thì công ty phải tổ chức quản lý theo loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.

Trường hợp 1: Nếu tổ chức quản lý theo công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì công ty phải thông báo thay đổi nội dung đăng ký trong vòng 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thay đổi vốn điều lệ của công ty.

Trường hợp 2: Nếu chuyển đổi thành công ty cổ phần thì công ty thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, đó là phải đăng ký chuyển đổi công ty với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận và cập nhật lại tình trạng pháp lý của công ty trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Thông tin liên hệ:

Trên đây là một số ý kiến tư vấn pháp luật của ANZILAW về “Tăng vốn điều lệ Công ty TNHH theo quy định mới nhất 2023”. Chúng tôi hi vọng rằng qua nội dung tư vấn trên sẽ phần nào đó giúp quý khách hàng có cái nhìn rõ nét hơn về vấn đề này. Để biết thêm thông tin chi tiết và tiếp nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, thành lập công ty,… vui lòng liên hệ số điện thoại 0965081099 hoặc: