Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh hiện nay đang là đích đến của các cơ sở chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản vì ngoài mục đích tiến tới đáp ứng đủ các điều kiện, đảm bảo không có bất kỳ ca bệnh nào xảy ra trên động vật thì các cơ sở an toàn dịch bệnh còn được hưởng những quyền, lợi ích khác được quy định theo pháp luật của Nhà nước. Do vậy, để biết xem hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh cần những gì? Thủ tục thực hiện ra sao? Hãy cùng ANZILAW tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Table of Contents
I. Cơ sở pháp lý
- Luật thú y 2015;
- Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật.

II. Khái niệm cơ sở an toàn dịch bệnh động vật và quyền lợi của cơ sở an toàn dịch bệnh động vật
1. Khái niệm
Theo giải thích của Luật thú y thì cơ sở an toàn dịch bệnh động vật là cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống động vật được xác định không xảy ra bệnh truyền nhiễm thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch trong một khoảng thời gian quy định cho từng bệnh, từng loài động vật và hoạt động thú y trong cơ sở đó bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh.
2. Quyền lợi của cơ sở an toàn dịch bệnh
Những cơ sở có giấy phép chứng nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thì được hưởng những quyền lợi sau theo Điều 4 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT và khoản 2 Điều 17; khoản 2 Điều 39; khoản 2 Điều 55 Luật thú y 2015:
– Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật được ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, động vật và sản phẩm động vật.
– Động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc tham gia chương trình giám sát dịch bệnh hoặc được phòng bệnh bằng vắc-xin và còn miễn dịch bảo hộ hoặc sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở sơ chế, chế biến được định kỳ kiểm tra vệ sinh thú y được kiểm dịch như sau:
- Tổ chức, cá nhân khi vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đăng ký kiểm dịch với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương;
- Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đăng ký kiểm dịch, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch.
– Động vật thủy sản làm giống xuất phát từ cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc tham gia chương trình giám sát dịch bệnh được kiểm dịch như sau:
- Tổ chức, cá nhân khi vận chuyển động vật thủy sản làm giống đăng ký kiểm dịch với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương;
- Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đăng ký kiểm dịch, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch.
– Được miễn lấy mẫu xét nghiệm đối với bệnh được công nhận an toàn trong quá trình thực hiện kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh; được sử dụng kết quả xét nghiệm tại điểm a và điểm b khoản 6 Điều 7 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT để làm thủ tục kiểm dịch vận chuyển động vật theo các quy định hiện hành.
– Được hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá, xuất bán sản phẩm, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật theo quy định của pháp luật.
– Được hỗ trợ tham gia các chương trình giám sát dịch bệnh động vật của Nhà nước đối với các bệnh chưa được công nhận an toàn; được hỗ trợ tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.
– Các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.
III. Điều kiện được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật
Để được cấp giấy chứng nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh không phải là điều dễ, các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải có những điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, vị trí địa lý đồng thời đáp ứng đủ những điều kiện để được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định tại Điều 10 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNN như sau:
– Thực hiện các biện pháp phòng bệnh động vật đáp ứng các quy định tương ứng của pháp luật về thú y, chăn nuôi hoặc thủy sản và hướng dẫn chuyên môn của Cơ quan thú y;
- Vị trí địa lý đáp ứng các quy định của pháp luật về thú y, chăn nuôi hoặc thủy sản; tách biệt với cơ sở khác có chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cùng loài động vật cảm nhiễm; tách biệt với các nguồn có khả năng làm lây nhiễm bệnh đăng ký công nhận an toàn;
- Khu vực xử lý xác động vật, chất thải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và thú y; khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải ngăn cách với các khu vực khác của cơ sở; các khu vực có nguy cơ nhiễm chéo phải có biển cảnh báo và bố trí tách biệt với nhau, bao gồm: Kho để vật tư nông nghiệp; khu nuôi cách ly động vật; khu vực mổ khám; khu xử lý xác động vật; khu vệ sinh, khử trùng tiêu độc dụng cụ dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản;
- Hệ thống xử lý nước cấp, nước thải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để giảm thiểu nguy cơ mang tác nhân gây bệnh theo quy định hiện hành;
- Có biện pháp ngăn chặn động vật hoang dã, các loài động vật khác và vật chủ trung gian truyền bệnh xâm nhập vào khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản;
- Có hệ thống khử trùng, tiêu độc cho người, phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị và vật tư cần thiết khác tại lối ra, vào cơ sở, khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản;
- Có trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển chuyên dụng, phù hợp với đối tượng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, dễ vệ sinh, khử trùng để giảm thiểu nguy cơ mang tác nhân gây bệnh;
- Có kế hoạch và tổ chức thực hiện các biện pháp an toàn sinh học theo quy định tại Điều 5 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT.
– Có kế hoạch và tổ chức thực hiện giám sát dịch bệnh động vật theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT.
– Không xảy ra dịch bệnh động vật: Thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư này.
– Hoạt động thú y tại cơ sở bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh động vật
- Thực hiện theo quy định tương ứng tại các Điều 14, 15, 19, 20, 25, 27, 28, 29, 32, 33 và Điều 35 Luật Thú y, quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quy định tại Thông tư Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT;
- Có kế hoạch và tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó dịch bệnh theo quy định tại Điều 8 Thông tư Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT.
Như vậy, có thể thấy một cơ sở để được coi là cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thì cơ sở đó phải có quy mô, tiềm lực nhất định đồng thời có sẵn hoặc có thể đáp ứng những điều kiện khắt khe về cơ sở vật chất cũng như hệ thống phù hợp theo quy định để có thể đảm bảo về vệ sinh và an toàn dịch bệnh. Nhưng song song với những điều kiện khắt khe thì cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh động vật cũng được hưởng nhiều quyền lợi hơn từ nhà nước, và có thể được hỗ trợ về mặt xuất khẩu, nâng cao hiệu quả về kinh tế và thương hiệu cho cơ sở của mình.
Thông tin liên hệ:
Trên đây là một số ý kiến tư vấn pháp luật của ANZILAW về “Điều kiện cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật”. Chúng tôi hi vọng rằng qua nội dung tư vấn trên sẽ phần nào đó giúp quý khách hàng có cái nhìn rõ nét hơn về vấn đề này. Để biết thêm thông tin chi tiết và tiếp nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, thành lập công ty,… vui lòng liên hệ số điện thoại 0965081099 hoặc:
- Email: info@anzilaw.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/anzilaw
- Website: https://anzilaw.vn/ – https://anzilaw.com